Sau khi xác định được kích thước tổng thể của pho tượng, người thợ có thể xác định kích thước của đầu mặt của tượng. Đây cũng là chi tiết quan trọng nhất làm nên thần thái của pho tượng. Tượng có đẹp, có thanh thoát, có thần hay không đều phụ thuộc vào việc tạc gương mặt. Không chỉ vậy, thông qua tạo hình gương mặt người ta còn nhìn thấy ở đó lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc. Bởi lẽ gương mặt Phật không phải là gương mặt của một con người cụ thể, mà chính là lý tưởng về nhân diện và sự toàn mỹ.
Không chỉ thể, trên mỗi thể loại tượng, mỗi vị Thần/Phật gương mặt chính là sự biểu thị quan niệm về nhân sinh về thiện ác. Vậy nên từ nét khắc cho đến màu sơn đều có ý nghĩa biểu trưng cho chức năng tính cách của nhân vật đó.
Tượng Phật là biểu tượng tối cao của lý tưởng thẩm mỹ về vẻ đẹp tinh thần mang tính siêu thoát. Các tượng Tam Thế, A Di Đà Thích Ca thường có chung một cách tạo hình khuôn mặt. Đó là khuôn mặt cân phân khá vuông vắn dạng nam diện, dầu có nhục khấu nổi cao, tóc xoắn ốc. Mắt tượng khép hờ, nhìn xuống. Dái tai dài gần chạm vai. Ở một số tượng, người ta có thể chạm nụ sen trang sức cho thuỳ tai, khiến cho các tượng thể loại này dù rằng rất đơn giản những vẫn sang quý. Cổ tượng được tạc cao ba ngấn dù là tượng Phật hay Bồ tát, đây được xem là những mặc định về các tướng quý của con người. Đồng thời đứng về mặt tạo hình, chiếc cổ cao ba ngấn giúp tôn được hết các vẻ đẹp mang tính lý tưởng của gương mặt.
Tượng Bồ Tát trong chùa Việt thường tạc mặt thanh tú, kiểu nữ diện. Nó thể hiện ra tâm thức người Việt về các Bồ tát, Quan Âm là các Phật bà, do vậy nên khi tạc tượng thường tạc theo dạng nữ diện, nên mặt nhỏ hơn các tượng Tam Thế, Thích Ca, Di Đà. Chi tiết đặc biệt nhất để phân biệt với các dạng tượng này là hệ thống các mũ miện. Có rất nhiều kiểu mũ, cách vấn khăn, búi tóc ở tượng hàng Bồ tát.
Thông dụng nhất là dạng mũ Thiên Quan: có một vành liền phía trước trán. Trên vành mũ này thường chạm tượng A Di Đà – trong quan niệm Phật giáo thì Quan Âm vốn được sinh ra từ ánh sáng tinh thần của đức A Di Đà. Người nguyện ở lại đời để đem lòng từ bi cứu khổ cứu nạn cho nhân gian. Do vậy, trên các mũ miện của người mang hình tượng này. Nếu có nhân dạng cụ thể của A Di Đà ngự trước mũ, thì cũng có biểu tượng của ngài là ba vầng sáng. Điển hình là tượng Quan Âm chùa Hội Hạ. Đằng sau vành mũ Thiên quan là búi tóc nổi cao và một tấm che tóc phía trước tạo thành một đường cong hất lên. Búi tóc có thể chẽ đôi với một nút buộc duyên dáng.
Ngoài mũ Thiên quan thì mũ Bảo quan cũng là chiếc vương miện được ưa chuộng trong chạm khắc tượng Bồ tát, Quan Âm. Chiếc mũ này được chạm khắc cầu kỳ với nhiều nụ sen nổi khối cùng với các hạt ngọc chạy vòng quanh. Phần đỉnh đầu vẫn có một tấm che tóc với búi tóc lớn ở phía sau. Một số tượng còn tạc thêm trâm cài. Tóc phía trước trán các tượng này thường được tạo hình sáu múi xuôi về hai bên, một lọn tóc vắt qua tai chạy xuống vai chia thành ba lọn nhỏ chạm liền trên áo tượng rất mềm mại.
Các lọn tóc này có khi được kết hoa năm cánh, cùng với thuỳ tai gắn đôi bông sen dài gần chạm vai. Có thể nói trong số các tượng thì tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Chuẩn Đề…là những tượng có cách phục sức mũ cầy kỳ nhất. Hầu như không có một quy chuẩn chung giống nhau cho những chiếc mũ được tạc khắc. Trên cơ sở cơ bản của hai kiểu trên mà tuỳ từng nơi thêm hay bớt các chi tiết. Chiếc mũ cầu kỳ này cũng phản ánh truyền thuyết và xuất thân quyền quý của Quan Âm – Bồ tát.
Đối với tượng Quan Âm Toạ Sơn, Quan Âm Thị Kính là những vị có truyền thuyết gắn liền với dân gian. Các vị này luôn được đề cao vẻ dân dã. Tượng thường không đội mũ Thiên Quan/Bảo Quan mà vấn khăn, búi tóc. Hai búi tóc nhỏ búi cao phía trước trán được thắt bằng một cái dây, các múi tóc vẫn chia như các tượng Bồ tát khác. Trên các múi tóc và búi tóc này có thể chạm thêm hình hoa cúc. Phía trên là một chiếc khăn chùm đầu, khăn này có thể rủ xuống vai phía sau lưng.
Tượng Kim Cương, Hộ Pháp: Đây là những vị Hộ Pháp bảo vệ giáo lý của nhà Phật, nên được hình dung là những võ tướng. Do đó cách tạo hình cuãng phải thể hiện ra uy lực. Gương mặt thường có cằm vuông, tướng võ tướng, dữ tợn. Các tượng Kim Cương, chùa Tây Phương bộc lộ một thần thái tính cách qua từng pho khác nhau. Tuỳ tướng mạo mà quy định màu sơn cho gương mặt của các pho tượng này. Tướng dữ thì sơn màu hồng sẫm đến màu đỏ, tướng hiền thì sơn màu sáng. Khuôn mặt Kim Cương/Hộ Pháp còn được tạo bởi vành mũ Kim Khôi che kín hai bên tai. Đây là hình thức mũ giáp của võ phục triều đình.
Đỉnh mũ Kim Khôi có thể là quả hồ lô. Từ mũ Kim Khôi có hai giải vải chạm bong ra phía ngoài và chạm xuống vai áo giáp. Hải giải vải bồng lên này khiến cho pho tượng như có uy lực, oai phong. Dưới chân tượng là vị tướng nhà trời xuất hiện để bảo vệ Phật Pháp.
Tượng Di Lặc: Có khuôn mặt lớn và nụ cười sảng khoái viên mãn.
Tượng Tuyết Sơn: Có gương mặt đau khổ suy ngâm, má hóp, mắt sâu
Tượng La Hán: Theo nhân dạng người thường, nên có tuỳ nghi để tạc khắc.
Tượng Vương Quan: Các tượng này có nhân diện như tượng Hộ Pháp, Kim Cương, như thường dáng mặt gọn gàng hơn. Tượng này đa số có tướng hiền, ít tướng dữ. Do tượng đội mũ Bình Thiên – tượng vương, đội mũ Cánh Chuồn – tượng quan nên lộ tai. Tai tượng không dài như tượng Phật và Bồ tát nhưng thuỳ tai vẫn dày thể hiện tướng phúc hậu. Riêng tượng Đức Ông mắt mở lớn, diện mặt sơn đỏ/hồng sẫm đầu đội mũ cánh chuồn. Tượng thánh Hiền/thánh Tăng, khuôn mặt hiền từ hơn, diện mặt sơn trắng, đầu đội mũ thất Phật.
Tượng Mẫu: Tuỳ theo tạc Mẫu nào thì sẽ có những hình thức mũ miện tương ứng. Về gương mặt thì giống với cách tạo tượng Bồ Tát. Các tượng Thượng Thiên, Thoải, Thượng Ngàn mũ được chạm như mũ Quan Âm hoặc vương miện.
Ngoài các điêu khắc tượng mẫu kể trên. Còn có các tượng Mẫu gắn liền với vùng miền địa phương như bà Mẹ Lúa, bà Tây Năng…Nên từ hình thái dáng vẻ đến mũ tượng đều được tạc theo thần tích thần phả của các bà.
Hotline/zalo: 0983.400.046 – 0879.555.111
Showroom – Xưởng sản xuất: Phía sau ngân hàng Agribank Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. (Ngõ 31, ngã tư Sơn Đồng).