Trong các điêu khắc chùa Việt, hệ thống trang phục của các vị thần/Phật có thể xem là một bảo tàng sống về cách phục sức của dân Việt qua các thời kỳ giai đoạn lịch sử khác nhau. Nó đồng thời cũng thể hiện ra các quan niệm về cái đẹp và sự sang quý.
Tượng Phật thường có hai loại áo choàng.
Áo phủ kín hai vai và áo chỉ vắt sang một bên. Đa số tượng Tam Thế được tạc có áo phủ kín hai vai, khoảng hở giữa ngực có tượng chạm khối ngực, có tượng chạm dây anh lạc hoặc chữ vạn. Tượng Thích Ca mẫu tượng cổ của miền Bắc thì tạc giống với tượng Tam Thế. Đây là hình thức mẫu áo của Phật giáo Đại Thừa.
Còn hình thức mẫu áo theo Phật giáo Nguyên Thuỷ sẽ khoác áo hở một bên vai. Cũng có thể loại tượng vạt áo chéo qua ngực nhưng vai phải sẽ vắt hờ một tà áo, khiến cho hình thức tạo hình có phần cân đối. Tuỳ theo từng thời kỳ, giai đoạn mà trang phục này được thay đổi. Ví dụ như tượng A Di Đà chùa Phật Tích có thêm cả vân kiên hình lá sen phủ vai. Mẫu hình này khá phổ biến đến thế kỷ 17. Tượng hiện đại thì phong phú hơn.
Kể cả áo khoác một bên vai hình dáng tạo hình cũng khác nhau. Nút thắt đôi khi buộc phần eo phải của tượng. Nhiều tượng các nếp gấp áo phủ kín hai vai trùng võng trước ngực tượng. Các tượng này thường không tạc dây anh lạc. Về kiểu trang sức dây anh lạc. Theo các nhà nghiên cứu cho rằng bên cạnh lối phục sức mặc tăng bào giản dị của đức Phật tượng trưng cho việc không tham luyến trần thế thoát ly cõi tục vào cõi Niết Bàn. Nhưng đối lập với trang phục đó khá nhiều tượng cổ có chạm chuỗi anh lạc trước ngực Phật có hình thái là chuỗi trân châu với những nụ tròn và kết hoa.
Đây là một trang sức quý báu thể hiện nguồn gốc của Đức Phật trước khi giác ngộ là một thái tử, thời điểm này ngài còn là một Bồ tát, nên khi thành Phật vẫn mang chuỗi anh lạc.
Tuy nhiên dây anh lạc không chỉ được tạc cho các tượng Thích Ca mà còn được hiện diện trên các pho tượng Phật khác như Tam Thế, Di Đà. Do vậy ý nghĩa trên chỉ là một trong số trường nghĩa về biểu tượng này. Ngoài ra câu chuyện về Bồ tát Vô Tận Ý cúng giàng chư Phật chuỗi anh lạc để thể hiện đức tin, cũng xác nhận ý nghĩa của lối trang sức này.
Trên thực tế, chuỗi dây cũng thể hiện sự tôn kính của người đời sau dành cho các đức Phật ở thế giới Cực Lạc. Miền đất mà châu báu không kể xiết nên việc đeo trang sức là hư phàm.
Trong hệ thống các tượng Phật cổ của người Việt. Thì các pho tượng Tam Thế chùa Kim Liên, chùa Thầy các chuỗi anh lạc này được chạm khắc rất cầu kỳ và độc đáo.
Tượng Bồ Tát/Quan Âm: Trang phục các tượng này thường tạc với hình thức áo choàng dài Thiên Y, các nếp áo chảy xuống mềm mại ở tay, ở cổ. Phía trong có lớp áo thanh y. Hai vạt áo choàng được kết lại ở bụng tạo thành một nút xoáy. Phía trong nút áo này là chiếc cạp váy chạm nút kết hoa sen. Đây là lối phục sức xưa.
Các nếp áo ở tượng đứng thì có thể tạc bay bay về hai bên. Còn tượng ngồi thì thường chảy tràn xuống phần đài sen làm cho pho tượng trở nên mềm mại, nữ tính. Một số pho tượng Quan Âm niên đại sớm tay áo của tượng thường tạo thành hình dạng cánh cung. Các tượng thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 hình thức cánh tay áo hình cánh cung. Và được thay thế bằng ống tay ôm gọn và các giải áo vắt qua tay mềm mại.
Về trang sức dây anh lạc có thể được chạm phía trong trên lớp áo thanh y. Nhưng cũng có thể chạm phía ngoài phủ lên toàn bộ vai tượng. Tượng Quan Âm Tạo Sơn, Quan Âm Thị Kính tạc kiểu áo giao lĩnh nâu giản dị, không có trang sức.
Tượng Vương Quan: Thường được tạc áo có bổ tử trước ngực. Trên bổ tử thường chạm lân, dù là tượng Ngọc Hoàng thượng đế. Tay tượng chắp lại cầm thẻ bài và có khăn phủ. Hai ống tay áo thường rủ xuống mềm mại hai bên đùi. Thắt lưng có cân đai và giải Tế Tất vát hai bên phủ trùm xuống gần bệ. Nếp quần chùng xuống để lộ ra mũi hài. Tượng này cũng tuỳ theo giai đoạn mà có cách phục sức khác nhau.
Tượng Hộ Pháp, Kim Cương: Trang phục võ tướng, các hoa văn trên trang phục này vô cùng phức tạp. Tuỳ theo từng tượng mà khắc hoa văn vảy cá, hình tiện, hình mây… Vị trí chạm nhiều trên trang phục như thắt lưng, đầu vai, khuỷ tay, ống quần. Hầu hết các văn hình được chạm khắc trên trang phục.