Chùa Việt là một thực thể kiến trúc gắn liền với đời sống của người Việt. Trở thành một tâm thức Việt dẫu lịch sử có biến động thịnh hay suy. Cho đến ngày nay, người ta khó có thể hình dung về một ngôi chùa Việt thủa ban đầu. Nhưng dường như tâm thức Việt về đạo Phật cổ xưa vẫn ẩn hiện trong tác phẩm tạo hình điêu khắc Phật giáo Việt Nam. Do đó nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo có thể bổ sung những nguồn tư liệu hữu ích cho việc nghiên cứu kiến trúc và ngược lại.
Có thể thấy rằng kiến trúc chùa và điêu khắc tượng Phật trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam phát triển song hành. Quy mô và hình thức bài trí tượng Phật như thế nào thì kiến trúc điện Phật sẽ được phát triển theo hướng đó. Nếu chùa nhỏ, thì tượng thờ cũng ít, kích thước tượng cũng bé. Nếu ngôi chùa lớn, số lượng tượng thường là nhiều, kích thước tượng cũng to lớn. Ngoài ra, hoàn cảnh xã hội cũng như vị thế của người hưng công vô cùng quan trọng để quyết định vị thế và quy mô của ngôi chùa. Thời Lý – Trần người ta chia chùa ra làm ba loại: Đại danh lam, Trung danh lam và Tiểu danh lam.
Kiến trúc chùa và điện Phật ở Bắc Bộ
Những dấu tích cụ thể về kiến trúc chùa Việt hiện còn đến ngày nay có lẽ là khiến trúc chùa của thời Lý cách ngày nay khoảng hơn 1000 năm. Một số ngôi chùa nằm trong hệ thống chùa Tứ Pháp điển hình là chùa Dâu cũng cho ít nhiều gọi ý về mô hình của một kiến trúc tôn giáo trước thế kỷ 10. Các điêu khắc hiện còn như điêu khắc tượng A Di Đà phật tích, Ngô Xá, Hoàng Kim hay tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện có kích thước khá tương đương nhau.