Song song với quá trình phát triển tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, việc tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa miền Bắc có một truyền thống lâu đời. Một ngôi chùa hoàn thiện vào khoảng cuối thế kỷ 18, hệ thống tượng thờ có thể lên đến hàng trăm pho. Điển hình như chùa Mía, các tượng lớn nhỏ như tượng trên ban Tam Bảo, tượng đặt ở hành lang, tượng đặt ở tiền đường, hậu điện và các tượng đặt trong các động Phật lên tới hơn 300 pho.
Tượng Phật bày trên ban Tam Bảo chủ yếu là các pho tượng Phật, nhưng do các nhân vật đó là tuỳ tùng của nhân vật chính nên được đặt theo bộ tượng trên ban Tam Bảo. Ban Tam Bảo thường chiếm vị trí trung tâm của ngôi chùa và chia ra làm hai đến ba cấp bậc trong ngôi chùa “nội Công ngoại Quốc”. Cấp bậc trong cùng là cấp cao nhất thường đặt tượng các vị Phật tối cao của điện Phật. Cấp bậc thứ hai là hệ thống tượng thuộc tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Cấp bậc ngoài cùng là nơi đặt hương án, cũng có thể đặt tượng Phật như tượng Quan Âm hoặc tượng Thích Ca Sơ Sinh hoặc tượng Ngũ Trí Như Lai Phật.
Bộ tượng Tam Thế Phật
Đây là bộ tượng chiếm vị trí cao nhất trong các ngôi chùa Việt. Ba vị này thường được tạo tác giống nhau. Ngồi trên đài sen, có thể có bệ, có thể không có bệ dạng bệ tu di toạ. Ba vị Phật này là ba vị Phật ở thời hiện tại, tương lai và quá khứ. Tượng Phật hiện tại ở giữa, ngồi thiền tay kết ấn thiền định hoặc tam muội. Tượng vị tương lại ngồi toạ thiền một tay đặt trong lòng, một tay đưa lên ngang ngực kết ấn phổ độ chúng sinh. Tượng quá khứ ngồi toạ thiền một tay đặt trong lòng, một tay kết xúc địa ấn.
Mỗi pho tượng trong bộ tượng Tam Thế Phật là đại diện là một đại kiếp. Mỗi đại kiếp ấy tương ứng với 1.344.000.000 năm. Tượng Phật Quá khứ là đại diện cho Bảo Đại Trang Nghiêm Kiếp gồm 1000 kiếp trong quá khứ. Tượng Phật hiện tại là đại diện cho hiện tại hiền kiếp gồm 1000 kiếp hiện tại. Tượng Phật tương lai là đại diện cho tinh tú kiếp gồm 1000 kiếp trong tương lai. Do đó chỉ ba tượng Tam Thế Phật nhưng đã đại diện cho hằng hà sa số chư vị Phật trong các thời hiện tại, quá khứ và tương lai và đạt đến các giá trị phổ quát của đạo Phật trong thế giới hiện hữu và thế giới tinh thần. Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu, Phật hiện tại là đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, Phật quá khứ là đức A Di Đà và Phật tương lai là Đức Phật Di Lặc.
Bộ tượng Tam Thân Phật
Là ba pho tượng được tạc tương tự như Tam Thế Phật nhưng thường có kích thước nhỏ hơn tượng Tam Thế Phật một chút. Khá nhiều chùa có đủ cả 2 bộ tượng này, điển hình như chùa Bút Tháp – Bắc Ninh, chùa Mía – Sơn Tây, chùa Liên Hoa – Hà Nội. Ba pho tượng này đại diện cho các thân của Đức Phật. Mỗi Đức Phật thành đạo đều có đầy đủ ba thân này. Ba thân bao gồm: Thanh tịnh pháp thân, viên mãn báo thân, thiên bách ức hoá thân. Thanh tịnh pháp thân thể hiện sự chứng đắc hình tướng tinh thần của Đức Phật.
Viên mãn báo thân là hình tướng nhục thân cùa Đức Phật khi giác ngộ hiện ra 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Đức Phật cũng là người tu hành đến kiếp cuối cùng để đạt đến sự viên mãn về nhục thân. Thiên bách ức hoá thân là sự ứng hiện thuyết pháp của Đức Phật. Trong kinh Phật thường nói, để cứu độ chúng sinh, Đức Phật có thể hiện ra muôn ngàn hình tướng khác nhau để thuyết pháp, để cứu giúp con người.
Ba pho tượng này là cách dẫn dụ giải thích cho chúng sinh về các hình tướng khác nhau của sự thành đạo chứng đắc. Do đó tượng Tam Thân tuy giống với tượng Tam Thế, nhưng thường được tạc nhỏ hơn.
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn
Là bộ ba tượng gồm Phật A Di Đà, bồ tát Quan Âm và bồ tát Đại Thế Chí. Đức Phật A Di Đà cũng là đức phật quá khứ. Bồ tát Quan Âm là vị bồ tát đại diện cho lòng từ bì của nhà Phật. Là người đã tu thành Phật nhưng nguyện ở lại nhân gian để cứu khổ cứu nạn giúp đỡ nhân dân. Bồ tát Đại Thế Chí là vị bồ tát đại diện cho trí tuệ của nhà Phật. Tượng A Di Đà hay còn gọi là đức vô lượng quang Phật hoặc vô lượng thọ Phật.Tượng này thường được tạc đức A Di Đà kết ấn Tam Muội đặt trong lòng đùi. Tượng Quan Âm, Thế Chí có thể tạc đứng hoặc ngồi. Tay pho Quan Âm cầm bình cam lồ hoặc tay kết ấn, hay tay pho Thế Chí nâng cuốn sách. Theo tịnh độ tông thì ba vị này là giáo chủ tây phương cực lạc.
Trong bộ tượng này thì tượng A Di Đà và tượng Quan Âm là hai pho tượng rất quan trọng trong các ngôi chùa Việt. Do vậy tượng A Di Đà thường được tạc với kích thước lớn cũng có thể đặt ở vị trí độc lập không có hai tượng phụ trợ ở hai bên. Tượng Quan Âm cũng vậy. Đây là thể loại tượng có hình thức thờ và tượng tượng thờ phong phú nhất. Tượng có thể không nằm trong bộ Di Đà tam tôn này mà trở thành các ban thờ riêng.
Bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh
Theo truyền thuyết Phật giáo, khi đức Phật thuyết pháp ở tầng trời Đâu Suất trong pháp hội Hoa Nghiêm, có hai vị là Văn Thù, Phổ Hiền hộ pháp. Do đó bộ tượng này bao gồm tượng Thích Ca Mâu Ni và hai bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền đứng hoặc ngồi hai bên. Tượng Thích Ca thường được tạc trong dáng vẻ toạ thiền trang nghiêm ngồi xếp bằng, tay kết ấn tam muội. Hình thái tượng Thích Ca giống với hình thái tượng Tam Thế Phật. Bên tay trái Phật là vị bồ tát Văn Thù cưỡi trên con sư tử xanh. Bên phải Phật là vị Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi trên con voi trắng. Hai vị bồ tát này tượng trưng cho trí tuệ và chân lý tuyệt đối của Phật giáo.
Tượng Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát trong các ngôi chùa Việt cũng khá phong phú về vị trí đặt để. Hai pho này có thể tách riêng để ngay phía dưới của ban Tam Bảo, hoặc hai bục riêng hai bên Tam Bảo.
Về hình tượng Đức Phật thuyết pháp, trong các ngôi chùa Việt được tạo hình khá linh hoạt. Thường thì có ba dạng phổ thông gồm: Thích Ca thuyết pháp trong hình tướng thành đạo, ngồi thiền tay kết ấm tam muội giống với tượng Di Đà. Tượng thuyết pháp một tay kết ấn đặt trong lòng đùi, còn một tay giơ hai ngón trỏ và ngóng giữa ấn thuyết pháp. Tượng Niên Hoa Vi Tiếu hay còn gọi là tượng đức Thế Tôn cũng là tượng Thích Ca thuyết pháp. Tượng này nằm trong bộ Linh Sơn Tam Thánh.