Về hệ thống tượng bày hai bên hành lang trong các ngôi chùa “nội Công ngoại Quốc”, tuỳ nơi mà được bài trí khác nhau. Ví dụ như tượng Đức Ông, đức Thánh Hiền, có chùa đặt ở cuối hai bên hành lang. Tượng Kim Cương cũng được bày ở đây, nhưng thông thường hơn được bày ở tiền đường.
Tượng Tứ Trấn cũng có thể được bày chốt ở bốn góc đầu cuối của hành lang.Thường thì được bày hai bên hành lang của các ngôi chùa người ta đặt bộ tượng Thập Bát vị La Hán. Các vị Tổ Truyền Đăng, các vị Hậu Thần, Hậu Phật, ngoài bày ở hậu điện ra cũng có thể bày tại đây. Điều này cho thấy tính chất linh hoạt trong cách bài trí của các ngôi chùa Việt.
Thập Bát Bộ La Hán
Là bộ tượng gồm có 18 vị mỗi bên hành lang sẽ bày chín vị với các hành trạng khác nhau. Như trên đã trình bày, theo quan niệm việc tu hành trong Phật giáo được phân ra thành các cấp bậc cao thấp. A La Hán là một “quả vị”. Trong Phật giáo Nguyên Thuỷ, với chủ tôn theo đuổi “tự mình giải thoát” đã chia quả vị ra làm bốn bậc: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Nam Hàm, A La Hán. Trong số đó thì cấp A La Hán là cấp vị cao nhất đạt được cảnh giới cao nhất trong việc tu hành theo Nguyên Thuỷ. Người nào tu hành đạt đến quả vị A La Hán gọi tắt là La Hán còn có nghĩa là bậc “ứng cúng”.
Còn trong Đại Thừa, thì quả vị A La Hán vẫn là quả vị thấp hơn so với Bồ Tát. Quan niệm của Đại Thừa là không chỉ tu cho mình mà còn tu cho người, tức giúp giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân. La Hán trong Phật giáo Đại thừa còn là những vị thường trụ thế gian để tạo phúc cho chúng sinh.
La Hán là những vị xuất gia đi tu, do vậy tượng La Hán thường mô tả những vị sư đầu trọc, áo nâu sồng. Các vị này được mô tả khá tự do với các tư thế khác nhau. Trong các ngôi chùa Việt 18 vị La Hán được mô tả khá sinh động với nhiều đáng vẻ khác nhau.
Tượng Tổ Truyền Đăng
Là bộ tượng chỉ có ở một số chùa như chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp. Tổ Truyền Đăng là các vị phát triển các tông phái Phật giáo. Họ là những đại đệ tử của Đức Thích Ca, tiếp tục sự nghiệp của ngài để hoằng dương Phật Pháp. Các tượng Tổ không được chọn tạc không theo thứ tự truyền đăng, mà chỉ chọn lọc một số vị có hành trạng đặc biệt.
Do vậy ta có thể thấy khuyết một số vị ở các đời khác nhau. Có thể kể ra các vị được tạc khắc gồm Tổ thứ nhất là Ca Diếp, Tổ A Nan, thứ ba là Thương Na Hoà Tu, thứ năm là Đề Đa Ca, thứ bảy là Bà Tu Mật, thứ tám là Phật Đà Nan Đề, thứ chín là Phục Đà Mật Đa, thứ mười là Hiếp Tôn Giả, thứ mười ba Ca Tỳ Ma La, thứ mười bốn Long Thụ Tôn Giả, thứ mười sáu là La Hầu La Đa, thứ mười bảy Tăng Già Nan Đề, thứ mười tám Già Da Đa Xá, thứ hai mươi Xà Dạ Đa, thứ hai bảy Bát Nhã La Đa, thứ hai tám Bồ Đề Đạt Ma.
Các vị này được tạc khắc dựa trên các bản vẽ trong sách Thiền Uyển Kế Đăng Lục. Một số vị tìm thấy trên phù điêu khắc trên toà Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Bút Tháp.