Chất liệu gỗ là chất liệu phổ thông nhất cho việc tạo tác các tượng Phật trong ngôi chùa Việt. Xét về đặc tính, gỗ có tính chất ôn hoà và bền hơn nhiều so với chất liệu đất. Nghề tạo tác tượng gỗ thường gắn liền với nghề sơn. Chất liệu sơn được chiết xuất từ thiên nhiên này góp phần làm bền các vật dụng đã được người Việt biết đến từ trước công nguyên. Tuy nhiên, với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở miền Bắc. Sau hàng trăm năm những pho tượng bằng gỗ vẫn mối mọt hoặc ruỗng lòng, tiêu tâm. Chính điều này đã dẫn đến các pho tượng Phật bằng gỗ hiện nay còn lưu giữ niên đại sớm nhất khoảng TK 16 – 17.
Loại gỗ được dân gian ưa dùng nhất để tạo tượng là gỗ mít, loại cây được trồng khá phổ biến ở nông thôn xưa. Gỗ mít có đặc tính là đa thớ nên vừa dễ đục đẽo lại vừa bền, ít bị nứt sau khi gia cố. Nó cũng là loại gỗ ưa sơn, khác với các loại gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) Khi sơn thếp dễ bị bong. Do đó phần lớn những tác phẩm làm bằng gỗ tứ thiết kể trên thì khi người ta đục chạm xong, thường để mộc, không cần sơn thếp.
Tuy nhiên, để có được tác phẩm đẹp, người nghệ nhân cũng phải chọn được những xúc gỗ vừa với ý đồ tạo tác, để sao cho các tác phẩm ra đời có ít nhất các mối hàn. Riêng với gỗ mít, người ta có thể tận dụng mọi xúc gỗ, cắt ghép hay đục đẽo… Sau đó sơn thếp thì các mối ghép đó đều được khéo léo giấu đi.
Quy trình chạm khắc một tác phẩm tượng Phật thường bắt đầu từ công đoạn chọn gỗ. Các cây mít già được đốn rồi đem phơi khiến nó được chuyển từ vật liệu tươi sang vật liệu khô. Khi chất gỗ đã ổn định, người thợ bắt đầu sơ chế gỗ trước khi tạo tác. Gỗ phải bóc đi toàn bộ dác gỗ. Nguyên nhân khiến cho tượng bị mối mọt, mục ruỗng qua thời gian. Lõi gỗ sẽ là nguyên liệu chính để tạc tượng. Việc tạo tượng thường có 2 cách, một là tạc ngay khi gỗ còn tươi, hai để gỗ khô kiệt rồi mới đục chạm.
Nếu tạc khi gỗ tươi, người thợ tạc có thể dễ dàng pha cắt, đục đẽo. Sau khi định dạng tương đối cho pho tượng, lúc đấy họ mới phơi. Việc phơi này cũng chỉ là phơi trong bóng râm để gỗ co ngót từ từ. Nếu phơi nắng quá thì gỗ sẽ bị phá từ trong phá ra sinh nứt tượng. Trong quá trình đục, phơi, nếu tượng bị nứt hoặc gặp những mắt gỗ trong ruột bị xé lòng, thì người thợ sẽ khắc phục bằng keo trộn với mùn cưa chít vào những chỗ nứt.
Để bắt đầu với một pho tượng gỗ, công đoạn đo đạc phác hoạ tượng là công đoạn khó nhất. Công đoạn này chủ yếu do các thợ cả làm. Nếu thân gỗ đã tương đối vừa với kích cỡ tượng, người thợ khắc chỉ việc đẽo bỏ đi phần thừa, nếu tượng quá lớn, hoặc gỗ quá nhỏ, các nghệ nhân có kinh nghiệm phải tính đến việc cắt ghép. Các mối ghép phải liền thành khối, phải tránh phần trung tâm pho tượng như ngực, mặt của tác phẩm bị nứt xé. Để làm được điều này, người thợ cần có kinh nghiệm trong việc xoay lựa gỗ. Các súc gỗ ghép cũng hết sức lưu ý về vị trí, tỉ lệ để sau khi đục xong, các phần này phải có kết cấu vững chắc với phần thân tượng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nghệ nhân, gỗ khô kiệt vẫn là chất liệu tốt nhất, mặc dù gỗ khô đục chạm sẽ không mềm như các thân gỗ còn tươi.
Sau khi đã xác định được kích thước chiều cao tổng quát của pho tượng, các thợ cả phác hoạ tỷ lệ đầu của pho tượng. Đây cũng là tỷ lệ quyết định cho mọi kích thước được đo đạc trên pho tượng. Đầu tượng cũng là phần được tạc đầu tiên. Sau đó từ tỷ lệ đầu, người thợ lấy tâm của thân tượng làm cữ, các súc gỗ nguyên khối cũng được căn chỉnh từ trục chính giữa căn ra. Thường thì một cây gỗ to đến mấy cũng vẫn phải ghép mới bù đủ cho hình thể pho tượng.
Nếu tiết diện gỗ lớn thì người thợ chỉ việc ghép hai bên chân xếp bằng. Nếu cây gỗ nhỏ thì trục đầu thân chân là gỗ liền, khối hai bên vai và phần xếp bằng là khối ghép thêm. Như vậy các mảnh ghép này thường là từ ba đến bốn khối mới đủ cho một pho tượng. Sở dĩ người ta lấy trục thân làm trục chính để ghép vào hai bên là để khi tạc, dung mạo tượng không bị toác bởi mối ghép. Phần vai, tay và chân xếp bằng có thể dùng các nếp áo che đi vết ghép, tượng sẽ đẹp kể cả khi là tượng chạm mộc không sơn thếp.
Thông thường các tượng Tam Thế, A Di Đà, Thích Ca thường tạc trong lối ngồi toạ thiền cân phân thì cách ghép khối gỗ là như trên. Các tượng Văn Thù Phổ Hiền cũng lấy trục như vậy nhưng ghép với cõng tượng nên phần chân được ghép riêng. Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn còn phải tính đến chiều kích cho các cánh tay vươn sang hai bên.
Phần thân của tượng nhiều tay sẽ được làm gọn hơn, để khi ghép tay vào là vừa vặn.
Việc tạo hình với tượng gỗ khá linh hoạt. Người thợ điêu khắc sau khi có kích thước của đầu tượng, mới có thể tính cho các tỉ lệ khác như vai, chân xếp bằng, đài sen. Phần đầu và thân tượng sẽ được chạm trước với việc định dạng các khối lớn. Ví dụ khối của đầu, tóc, tấm che tóc, mũ thiên quan, các khối ngực, áo nếp áo…
Theo hình thức phác mảng, phác hoạ. Sau khi chạm được các khối lớn ổn định tương đối về tỉ lệ, lúc đó người thợ điêu khắc mới bắt đầu công đoạn chuốt tinh cho pho tượng. Về các thế tay, thì những tay liền thân được tạc trước cùng trong khối của pho tượng. Còn các tay yêu cầu tỉ mỉ về kỹ thuật, thì được chạm rời hẳn ra. Sau đó người ta có thể ghép mộng vào pho tượng chính.
Ví dụ như ở tượng A Di Đà chỉ có một đôi tay kết ấn Tam Muội trong lòng đùi chạm liền thân, còn tượng Quan Âm nhiều tay còn có một đôi kết ấn Liên Hoa Hợp Chưởng hoặc Chuẩn Đề ấn trước ngực. Các đôi tay của Quan Âm sẽ được ghép rời từ ngoài, không liền khối. Ngoài ra đối với tượng Quan Âm nhiều tay, thì hệ thống tay hai bên mình cũng được chạm rời, sau khi pho tượng được chạm xong hết các bộ phận mới gắn tay vào để hoàn thiện. Đặc biệt là các pho tượng có cầm bảo pháp, thì người ta sẽ lựa chọn xem những bảo pháp, ấn quyết nào quan trọng để tạc với những pho ít tay. Nhưng tất đều phải tuân thủ theo những quy định riêng.
Thông thường những thế dáng ấn quyết hay bảo pháp này được các sư thầy chỉ bảo cho các thợ làm. Hoặc họ phải quan sát thật kỹ trong các sách để tạc cho chuẩn xác. Khi ghép cũng phải tạo ra một thế cân bằng tương thích, nếu không sẽ khiến pho tượng mất đi tính cân đối giữa hai phần. Các thế tay ôm, vươn hay đưa ra cũng cần phải tương ứng nhau. Ví dụ như đôi tay đỡ nhật quang, nguyệt quang buộc phải đăng đối. Những đôi tay cầm các bảo pháp khác có thể có ít nhiều tự do hơn. Khi đục tay, các nghệ nhân phải đục theo từng đôi một, để khi ghép dễ dàng hơn.
Việc tạo mộng ghép các tay hai bên thân cho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn. Cũng khác với đa phần các mộng ghép của các phần khác của tượng. Mộng này chủ yếu là mộng tròn để khi ghép những chốt mộng này lại giúp cho nghệ nhân dễ dàng xoay, tạo thế dáng cân đối trong bố cục chung của pho tượng. Với số lượng tay càng nhiều, việc ghép càng khó. Các lớp tay này thường được chia làm 2-3 hàng lỗ mộng chạy dọc từ bờ vai đến hết phần thân. Nếu tượng càng nhiều tay thì bề dày của thân càng lớn. Hoặc các tay này phải có kích thước nhỏ đều để khi ghép vào tượng không ảnh hưởng đến tạo hình chung.
Việc tạc tượng thì tuỳ theo thể loại tượng để có những quy trình công đoạn riêng. Các tượng càng phức tạp thì người ta vừa chạm vừa ghép sao cho việc chạm đủ thì thôi. Tuy nhiên công thức chung là chia các phần của tượng ra để tạc.
Ví dụ: thân tượng, đài sen, bệ tượng, thú đội, các chi tiết phức tạp cần làm tỉ mỉ. Sau khi chạm hoàn thiện tất cả các chi tiết thì pho tượng mới được ghép lại. Việc ghép này có thể dùng mộng, có thể dùng keo trộn mùn cưa, miễn sao pho tượng trở nên chắc chắn. Ngoài ra, nếu tượng phải vận chuyển, người ta còn tháo rời các chi tiết, sau đó đến địa điểm đặt để tượng mới lắp ráp cố định.
Thao khảo: Những mẫu tượng gỗ đẹp thờ trong ngôi Chùa Việt
Việc tạc tượng gỗ, thường có hai loại, một là tượng mộc, tức sau khi chạm khắc xong để nguyên chất liệu gỗ, hai là tượng sơn thếp. Mỗi loại tượng đều có những yêu cầu khắt khe khác nhau. Với tượng mộc thì gỗ đa số là nguyên khối, hạn chế việc cắt ghép. Ngày nay, thể loại tượng gỗ mộc có thêm sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại và các loại sơn bóng, sơn phủ, khiến cho việc giấu đi các mối cắt ghép kỹ càng hơn. Pho tượng sau khi đục xong sẽ phủ bóng sơn PU, những đoạn cắt ghép sẽ sử dụng bút để vẽ chi tiết giả vân gỗ, khiến cho pho tượng khi hoàn thiện vẫn như được tạc từ một khối gỗ nguyên.
Tượng này thường thuộc về dòng mỹ nghệ. Còn các điêu khắc cùa thì chủ yếu vẫn ưa chuộng tượng sơn thếp. Tượng gỗ sơn thếp cho phép thợ có thể tận dụng các khối gỗ khác nhau, cắt ghép lại. Sau khi công đoạn đục hoàn thiện sẽ chuyển sang công đoạn sơn thếp và vẽ.