Tạo hình thế ngồi tượng Phật – Bồ tát cũng như các điêu khắc trong chùa Việt vô cùng đa dạng. Nếu việc tạc khắc các chi tiết mẫu hình đã đề cập đến ở trên người ta phải quan tâm đến từng thể loại tượng, thì phần thế ngồi, có thể tổng kết lại một số dạng thế ngồi cơ bản sau. Các thế ngồi này cũng có thể đặc trưng cho từng thể loại nhưng cũng có sự linh hoạt nhất định.
Thế ngồi phổ biến nhất là ngồi xếp bằng. Có bốn loại xếp bằng: Kiết già toàn phần gồm hai thế: lộ cả hai bàn chân hoặc nếp áo phủ kín chân, bán kiết già cũng có hai thế: lộ bàn chân trái hoặc lộ bàn chân phải. Chi tiết khác nhau này chỉ là cách tạc, còn trong đạo Phật thì đây là thế ngồi thiền giúp cho việc tâm thân có thể tĩnh nhất để tu luyện.
Các thế ngồi này thường phổ biến với các tượng Tam Thế, Thích Ca. Các tượng Bồ tát, Quan Âm thì tuỳ tượng mà được tạc ngồi theo lối nào. Thông thường nhất với các tượng Quan Âm, nếu tạc ngồi xếp bằng thường tạc tư thế không lộ chân – tức nếp áo phủ kín. Tượng bán kiết già lộ bàn chân phải cũng rất phổ biến trong các điêu khắc tượng Phật Việt.
Thế ngồi ngai/bục cũng phong phú về hình thức. Có hai dạng phổ biến là dạng hiền toạ hai chân song song và hai chân có một chân chống. Thế ngồi hai chân song song thường chạm mũi chân hướng chéo góc, tạo cảm giác trang nghiêm. Còn lối chân co chân chống cũng lại chia làm hai loại. Một loại chân khoanh vào thân mình, chân kia chống, một loại chân buông thõng xuống thoải mái và chân chống cao trên bục bệ.
Chân chống cũng có nhiều dáng vẻ khác nhau. Chân chống thẳng thì tay thường đặt trên nhẹ trên đầu gối. Chân chống gác chéo, bàn chân vát một góc. Các tượng Phật, Bồ tát thường chân trần, các tượng La Hán cũng chạm chân trần nhưng có chiếc hài tạc rời trong đặt trong khối giả sơn hoặc gắn vào bục bệ. Một số tượng Quan Âm hiện đại có chạm thêm bông sen mãn khai lót dưới chân các ngài.
Ngoài ra còn một thể loại chân vắt chữ ngũ cũng khá phổ biến. Kiểu thông dụng nhất là bàn chân phải gác lên đầu gối chân trái. Kiểu vắt chân này đôi khi cũng dấu đi bàn chân bằng các nếp áo phủ kín. Ở một số tượng có thế chân như đầu gối nâng cao hơn. Bàn chân hơi buông thõng xuống phía dưới. Cách tạc này tạo cho các tượng tư thế thoải mái nhất có thể.
Như vậy quy định về thế chân có thể có quy định chung, nhưng tuỳ theo từng thợ tạc khắc mà các thế chân đó được tạo hình như thế nào cho thích hợp với từng pho tượng.
Tạo hình tay các thủ ấn và bảo pháp
Tạo hình tay và các thủ ấn là một phần vô cùng quan trọng trong tạc tượng Phật giáo. Các thủ ấn này chính là thể hiện oai lực của các vị thần Phật trong giao tiếp tâm linh giữa con người và thế giới vô hình. Trong phần này chúng tôi chỉ xin khắc hoạ một số thế ấn cơ bản, phổ biến ở một số tượng Phật.
Ấn liên hoa hợp chưởng: Là cách kết ấn thường gặp nhất ở các chư Phật và Bồ tát. Ấn Liên Hoa được kết theo lối hai bàn tay chắp lại trước ngực, các ngón tay duỗi song song tạo thành hình nụ sen chưa nở.
Ấn tam muội hay còn gọi là Ấn Thiền Định: là ấn phổ biến nhất ở cho các tượng A Di Đà, Quan Âm, Bồ Tát, Tam Thế. Cách kết ấn này được biểu thị bằng cách hai bàn tay chồng khít lên nhau. Hai ngón cái chạm nhau đặt trước bụng. Ấn quyết này có ý nghĩa là chế ngự ngọn lửa tam muội để tịnh tâm thiền định. Trong các điêu khắc Phật giáo khi đôi tay kết ấn Thiền định tạo thành một đường vòng cung kết lại trước bụng.
Ấn xúc địa: Là cách kết ấn với bàn tay trái úp xuống đặt trên đùi trái. Các ngón tay duỗi thẳng khép hờ thể hiện sự an định. Cũng có thể cách kết ấn này được biến thể bằng ngón trỏ chỉ xuống đất. Theo truyền thuyết Phật giáo khi đức Phật sắp đạt giác ngộ, quỷ vương và yêu nữ đến quấy phá, nhưng không làm người lay chuyển. Cử chỉ này tượng trưng cho sự kêu gọi sự làm chứng của thổ thần. Ấn xúc địa thường kết hợp với bàn tay phải để ngửa trong lòng đùi.
Ấn giáo hoá: là cách kết ấn mà ngón tay cái và ngón tay chỏ được chạm vào với nhau. Hình vòng tròn tạo ra giữa hai ngón tay biểu thị cho sự viên mãn. Ấn này có ý nghĩa thuyết phục giáo hoá đạo pháp cho chúng sinh. Biến thể của ấn này là ngón cái, chạm ngón trỏ. Điều này thể hiện sự minh chứng về Phật pháp.
Ấn Thuyết Pháp: Là cách kết ấn mà hai tay đức Phật đưa lên ngang ngực cùng kết ấn giáo hoá. Hai bàn tay có thể cong lại các ngón tay như đang diễn tả về giáo nghĩa. Ấn này cũng được gọi là Ấn chuyển pháp luân.
Ấn vô uý: Đây là thủ ấn phổ biến nhất trong các điêu khắc Phật giáo. Ấn này có ý nghĩa là truyền cho con người lòng tự tin, dũng khí thoát khỏi sự sợ hãi nên gọi là vô uý. Ấn này được biểu thị khá đơn giản với bàn tay phải đưa ngang lên tầm vai. Cánh tay cong và bàn tay hướng ra ngoài. Các ngón tay khép lại. Đó là cử chỉ bày tỏ thiện chí và thể hiện sức mạnh tâm linh của Phật.
Ấn thí nguyện: thường được biểu thị bằng lòng bàn tay trái ngửa ra hướng về phía trước. Các ngón tay cũng khép lại đều đặn. Động tác này biểu thị sự cứu độ chúng sinh toàn tâm toàn ý bằng lòng từ bi. Ấn này có thể phối hợp với ấn Vô Uý trong một số tượng Tam Thế. Trong tượng Quan Âm tay phải cầm bình cam lồ/hoa sen, tay trái kết ấn Thí Nguyện.
Ấn Chuẩn Đề: Đây là cách kết ấn hơi phức tạp với hai bàn tay chắp lại. Ngón út và ngón nhẫn kết lại với nhau. Ngón giữa dựng thẳng đứng, hai ngón trỏ cong lại đặt lên đốt thứ nhất của ngón giữa. Hai ngón tay cái song song nhau. Ấn này được cho là có pháp lực vô biên để giáo hoá chúng sinh và diệt trừ khổ não.
Bên cạnh cách kết ấn thì các bảo pháp cũng được xem là những biểu tượng giáo hoá chúng sinh. Các bảo pháp này thường gặp trong tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Một số bảo pháp chủ yếu thường gặp là:
Bảo tháp: là tháp báu, tượng trưng cho giáo lý của Phật pháp.
Nhật/Nguyệt ma ni: là tấm gương hình tròn tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Gương Ma Ni giúp con người tinh tấn trong đạo pháp.
Bánh xe pháp luân: là một vành tròn có tám nan biểu thị cho bát chánh đạo – giáo lý thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử của Phật giáo.
Vỏ ốc: là dấu vết tối cổ của Phật giáo ảnh hưởng Ấn giáo, chiếc vỏ ốc hay còn gọi là pháp loa, tù và dùng để hiệu triệu các tín đồ Phật tử. Do vậy nó cũng tượng trưng cho uy danh của Phật Pháp.
Bảo bình: là chiếc bình báu, chứa đựng nước cam lồ mang ý nghĩa giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân. Nó cũng tượng trưng cho lòng bi nhẫn của Quan Âm. Bảo bình có thể đi cùng với hình tượng nhành dương liễu.