Các tượng đặt ở Hậu đường thường là tượng Tổ và tượng Hậu. Tượng Tổ là các vị Tổ Phật và các vị Tổ chùa. Tượng Hậu là các vị hậu thần hậu Phật. Như chúng tôi đã đề cập đến sự phát triển của ngôi chùa “nội Công ngoại Quốc” kể trên, bắt đầu từ thế kỷ 16-17, sự hội tụ của các tín ngưỡng dân gian người Việt trong ngôi chùa Việt, đã làm cho kiến trúc chùa được mở rộng. Do đó hậu đường ngôi chùa Việt không chỉ là nơi đặt tượng tổ mà còn là nơi tín ngưỡng thờ Thánh, thờ Mẫu được đưa vào để tạo nên kiểu thức kiến trúc tiền Phật hậu Thánh/Mẫu/Tổ.
Theo quan niệm của dân gian Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng tối cổ của người Việt. Các vị Thánh Mẫu được thờ trong các điện thờ vừa là nhân thần, vừa là thiên thần. Các vị này có huyền tích huyền thoại rất cổ xưa. Nhiều vị là tổ tiên của dân tộc Việt. Do vậy các hậu đường là nơi thờ Tổ, cũng là một trong những vị trí quan trọng của ngôi chùa.
Tượng thờ Đạo Mẫu
Gồm Tam Toà Thánh Mẫu, Tứ Phủ Công Đồng, Ngũ Vị Tôn Ông, các hàng Thánh Quan và Chầu Bà, tượng Cô, Cậu cùng các tượng thị nữ, thị giả…
Các tượng thờ Đạo Mẫu ở trong các ngôi chùa Việt có niên đại khá muộn khoảng thế kỷ 18. Pho tượng đồng được xếp vào loại tượng sớm ở Phủ Nấp, Nam Định có niên đại 1781, theo ghi chép trên bia. Đây cũng là tác phẩm có kích thước khá lớn.
Tượng Thánh Mẫu, Chầu Bà
Là các tượng được tạc theo một tiêu chuẩn riêng biệt khác với tượng thờ đạo Phật. Các tượng Thánh Mẫu có nét gần gũi với tượng Quan Âm. Các vị Thánh Mẫu thường được tạc trong tư thế ngồi, không có vị nào tạc ở tư thế đứng. Bộ Tượng Tam Toà thường có hình thái giống nhau.
Tượng ngồi xếp bằng hoặc ngồi tư thế một chân khoanh, một chân chống một bên tựa lên gối. Cũng có những bộ tượng tạc theo lối ngồi hiền toạ hai chân song song, hình thái uy nghi. Một tay kết ấn, một tay đặt úp trên gối. Một số tượng có thể cầm quạt. Tượng thường mặc thiên y với trang trí cầu kỳ, đầu đội vương miện. Tuỳ theo tượng Mẫu mà màu sắc trang phục khác nhau. Tượng Chầu Bà có hình tướng trang phục phù hợp tượng tự.
Ví dụ như tượng Thánh Mẫu thượng ngàn bày trên động thường mô tả là người dân tộc với khăn vấn, áo xanh.
Tượng Ngũ vị Tôn ông, Hàng quan
Cũng là tượng được tạc trong thế ngồi, hoặc xếp bằng hoạ hiền toạ hai chân song song. Cũng tuỳ theo thần tích thần phả hình tướng của các vị mà được tạc khắc như thế nào, từ trang phục cho đến màu áo.
Tượng Thị Giả
Có hình tướng giống với tượng thị giả trong các bộ tượng Quan Âm.
Tượng Cô, Cậu
Tượng đứng, mô tả đứa trẻ cung kính đứng cầm tráp. Nói chung, tượng thờ Đạo Mẫu thường là tượng mới. Trong khoảng vài năm trở lại đây, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ được UNESSCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, nên các điện thờ mẫu ở các chùa, đền, phủ cũng như các tư gia rất phát triển, nên hệ thống tượng thờ mẫu cũng được tạc khắc rất nhiều và có được những quy định cũng như cách tạo hình khá cầu kỳ.
Tượng Hậu Phật, bia Hậu Phật
Là các pho tượng hoặc phù điêu những người có danh tính rõ ràng, cụ thể được ghi chép ở trên các văn bia lưu tại chùa. Họ là những người có công đứng ra gom góp tiền của cúng dường chư Phật để trùng tu hoặc xây dựng nên ngôi chùa đó. Do vậy nên được tạc tượng và khi mất thì được thờ ở trong chùa.
Tượng Tổ
Gồm tượng Bồ Đề Đạt Ma và các tượng của các vị sư tăng từng tu đắc đạo tại ngôi chùa đó. Tượng Bồ Đề Đạt Ma cũng là Tổ Truyền Đăng, nên vừa có mặt trong ban thờ Tổ, vừa có mặt trong bộ tượng Truyền Đăng. Trong bộ tượng Truyền Đăng thì ông là người cuối cùng. Còn trong ban thờ Tổ thì ông lại chiếm vị trí cao nhất. Phải chăng đặt Bồ Đề Đạt Ma trên các vị tổ chùa là có dụng ý, những vị Tổ chùa chính là những người tiếp tục giữ vai trò hoằng dương Phật pháp.
Về hành trạng Bồ Đề Đạt Ma: ông là vị tổ thứ 28 sau Phật Thích Ca Mâu Ni của dòng Thiền Ấn Độ và là sơ tổ của dòng Thiền Tông Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma là đệ tử truyền nhân của tổ thứ 27 Bát nhã Đa La và là thầy của Huệ Khả. Ông truyền đạo qua Trung Quốc khoảng thế kỷ 5 sau công nguyên. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận. Bồ Đề Đạt Ma đã từng sang Giao Châu cuối đời nhà Tống cùng với một vị sư Ấn Độ là Pháp Thiên.
Ông cũng từng đến Lạc Dương chắc chắn sau thời gian ông ở tại Giao Châu như ghi chép kể trên. Do đó trong các ngôi chùa Việt, trong ban thờ tổ, Bồ Đề Đạt Ma trong hình tướng một vị sư râu sồm thường được thờ ở ban thờ Tổ Phật.
Các vị sư tăng được tạc tượng cũng là những vị có những công lao to lớn đối với Phật giáo Việt hoặc ngôi chùa đó. Các vị này cũng có thể có tháp mộ được xây ngay đằng sau ngôi chùa. Thường thì hệ thống các tượng tổ này ghi nhận một dấu ấn quan trọng của nghệ thuật điêu khắc chân dung Việt Nam từ thế kỷ 17 trở về sau.
Với việc điểm lại các hệ thống tượng thờ trong ngôi chùa Việt, có thể thấy rằng ở đó phản ánh một sự chồng xếp của những lớp lang lịch sử. Ngôi chùa Việt từ kiến trúc đến điêu khắc liên tục được thay đổi, được thêm vào, được mở rộng ra thích ứng với nhu cầu tín ngưỡng của người Việt qua mỗi giai đoạn phát triển. Thông qua đó nó cũng phản ánh tư duy cũng như tri thức Việt được cộng nhập các giá trị mới.
Kiến trúc chùa từ mô hình mặt bằng hình gần vuông cho đến ngôi chùa hình chữ Công và nội Công ngoại Quốc, không chỉ đơn giản là việc mở rộng không gian cho việc thờ cúng của người Việt. Mà còn thể hiện ra ở đó những chuyển biến trong kỹ thuật xây dựng. Ngôi chùa Việt ngày càng trở nên thanh thoát hơn, uyển chuyển hơn, rộng rãi hơn cũng như mang nhiều biểu tượng hơn trong kiến trúc. Điển hình là ngôi chùa Tây Phương, Kim Liên tổng thể kiến trúc đã được ví như một đoá hoa sen nghìn cánh – biểu tượng trong Kinh Phật.
Trong không gian thiêng liêng và đầy ý nghĩa biểu tượng ấy, những vị Phật, Bồ tát, Chư Thiên… hiện diện khắc hoạ đời sống tín ngưỡng vô cùng phong phú của người Việt. Hàng trăm pho tượng trong ngôi chùa “nội Công ngoại Quốc” kể trên là sự hưng công tạo tác nhiều thế kỷ. Các truyền thuyết, thần tích về các pho tượng kể trên đã phản ánh một cách rõ nét sự đan xen cũng như hội nhập của đạo Phật vào văn hoá Việt. Không ít những truyền thuyết được Việt hoá, nhiều hình tượng được đồng nhất với huyền sử của người Việt. Bên cạnh đó lại phủ lên những màu sắc hay hình thức của nghệ thuật Phật giáo cũng như biểu tượng của các tông phái Phật giáo.
Có thể nói, để tạo tác nên các pho tượng đẹp đẽ sinh động đó, người Việt cũng đã phải trải qua những quá trình học hỏi về chất liệu và tạo hình. Những nguyên tắc tạo tượng theo đấy cũng được đúc kết, truyền dạy qua các thế hệ làm nghề ở các làng quê Việt xưa. Cho đến ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nghệ thuật tạo tác tượng Phật cũng đã ít nhiều thay đổi để làm giàu có thêm cho truyền thống lâu đời.